Tương lai khó khăn đang chờ những người làm biển quảng cáo

Tương lai khó khăn đang chờ những người làm biển quảng cáo
Ngày đăng: 07/01/2024 09:56 PM

Mục lục

    Tương lai khó khăn đang chờ những người

    Trước hết, phải nói rằng trong vòng khoảng 5 năm nữa, đây là một nghề mà chúng ta vẫn có thể sống với nó, nếu chúng ta có trình độ, năng lực thực sự. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng một lần nghe nói rằng quảng cáo là một nghề hot, không bao giờ chết, không bao giờ lỗi thời. Cửa hàng này chuyển đi, thì cửa hàng khác mọc lên, và bảng hiệu thì luôn luôn cần thiết trong nền kinh tế “mặt tiền” như của Việt Nam. Nhưng có vẻ như chính quan điểm đó sẽ “giết dần, giết mòn” và bóp chết sự sáng tạo cũng như những giá trị mà nghề làm bảng hiệu có thể mang lại cho xã hội.

    Tại sao lại như vậy?

    Câu chuyện nằm ở chữ “nghề”. Nếu bạn nói bạn làm “nghề quảng cáo”, tôi cá là không ai hình dung được, thậm chí là chính bạn cũng không biết đấy là nghề gì. Nghề gì mà bạn phải biết thiết kế đồ họa, biết leo trèo, biết sơn, biết vận hành máy, biết căng bạt, biết ốp tấm, biết dán chữ, biết đấu điện, biết hàn cắt, biết cơ khí, biết quan hệ, biết tìm kiếm khách hàng, biết báo giá… biết đủ mọi thứ, mà lại còn phải biết sáng tạo và có óc thẩm mỹ nữa chứ. Vâng, chính nó đã, đang và sẽ bóp méo, bào mòn những giá trị của nghề, đẩy nghề này xuống cái mức mà không thể cứu vãn. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng bạn thử hình dung mà xem.

     

    Những người thợ thi công biển quảng cáo luôn phải làm việc trong những điều kiện khó khăn

     

    Sản xuất, gia công luôn nằm ở đáy của chuỗi cung ứng. Vốn dĩ, giá trị của nó đã thấp. Nhưng có vẻ nó ngày càng thấp đi và sẽ đến cái lúc mà chúng ta không thể sống được với nó trong cái tình cảnh thợ giỏi thì thiếu, mà giám đốc thì tăng theo cấp số cộng, à không, phải là cấp số nhân mới đúng.

    Cấp số nhân nằm ở chỗ khi bạn mở một công ty/cửa hàng quảng cáo, bạn phải có thợ, có nhân viên chứ bạn không thể làm mọi thứ. Bạn phải đào tạo nghề, nghĩ cách giữ thợ bằng việc “tăng lương, giảm giờ làm” hoặc làm bất cứ điều gì có thể. Rồi những người thợ của bạn, dù thế nào cũng sẽ ra làm riêng, không sớm thì muộn, bởi thu nhập của họ có vẻ như không bao giờ là tương xứng với hàng đống công việc như đã kể ở trên. Không bao giờ. Dù bạn có trả cỡ nào, thì họ cũng luôn nghĩ là họ xứng đáng hơn thế. Và họ ra đi, làm giám đốc.

    Và giám đốc, sẽ đẻ ra hàng đống giám đốc khác. Cứ như vậy.

    Dung lượng thị trường quảng cáo nói chung và nói riêng vẫn tăng trưởng. Nhưng mức tăng trưởng đó đang bị cơn lốc các giám đốc cuốn phăng. Và rồi, cơn lốc đào thải, nếu không diễn ra, sẽ đẩy ngành này xuống cái mức mà tất cả sẽ chỉ sống lay, sống lắt.

    Thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu công nhân giỏi (bởi họ luôn đang trong quá trình đào tạo), sản phẩm làm ra chỉ ở mức rẻ mạt và thiếu điểm nhấn. Các giám đốc sẽ luôn phải đau đầu tìm cách đấu đá, hạ giá, cạnh tranh không lành mạnh để mà có việc trả tiền cho công nhân với mức ngày một tăng và có chút thu nhập cho riêng mình, hy vọng “có đam mê sẽ có tất cả”. Vâng, dù thế nào thì ngày mai trời vẫn sáng. Và sẽ có một buổi sáng mà bạn tự nhủ, “thà đi làm thuê còn hơn”.

    Bạn loay hoay hạ giá, để rồi thu nhập bản thân giảm, dẫn đến thu nhập công nhân không tăng, điều kiện sống của họ giảm theo vật giá, họ không được đóng bảo hiểm trong khi điều kiện lao động thì nguy hiểm, vất vả. Khi họ có tay nghề là lúc họ trở thành đối thủ của bạn. Và bạn lại tiếp tục phải đào tạo ra các giám đốc khác.

     

    Các cửa hàng biển quảng cáo mọc ra như nấm sau mưa

     

    Ngày xưa 100 ông mua, có 10 ông bán. Ngày nay, có 1000 ông mua, nhưng có 5000 ông bán. Và ngày mai, có 1 vạn ông mua sẽ có 10 vạn ông bán. Cạnh tranh luôn là động lực của phát triển. Nhưng sự cạnh tranh manh mún, nhỏ lẻ sẽ giết chết mọi thứ. Câu chuyện của nghề này, nằm ở chỗ đấy.

    Nếu tất cả chúng ta không bình tâm ngồi lại, học cách vượt qua vòng xoáy này, rồi sẽ đến lúc chúng ta bị thị trường này, dù không hoàn hảo, dìm xuống đáy.

    Vậy giải pháp là gì?

    Giải pháp là chúng ta cần đoàn kết để trả lại những giá trị mà nghề này xứng đáng nhận được. Đây là lúc chúng ta cần xây dựng những tiêu chuẩn, nâng tầm quản trị quản lý để cơ cấu lại, cắt đứt vòng xoáy công nhân-giám đốc như ở trên. Chúng ta cần cho xã hội biết, đây là một ngành nghề khó khăn đầy rào cản, chứ không phải cứ có cái máy khoan, máy hàn và vài chục triệu trong tay rồi thuê cái cửa hàng là có thể thành công.

    Nếu hiện tại bạn đang làm giám đốc, hãy tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho công ty của bạn, cho nhân viên của bạn. Hãy chuyên môn hóa, đưa cho họ đúng việc họ làm giỏi nhất chứ không phải cái gì cũng đến tay. Bạn phải đầu tư để nâng tầm của mình. Hãy tách riêng từng bộ phận. Thiết kế là phải giỏi, và chỉ làm thiết kế. Thợ thi công là phải giỏi, biết leo trèo, biết dán chữ, biết căng bạt, biết bắn vít, biết dán decal, là đủ rồi. Thợ cơ khí, hãy để họ hàn, cắt. Thợ sản xuất, hãy để họ chuyên tâm uốn chữ, cắm led. Thợ đấu điện, hãy để họ làm thợ điện, có ai hỏi họ còn biết trả lời là “thợ điện”. Thợ CNC, hãy để họ chuyên tâm vận hành máy. Thợ kế toán, hãy để họ lo thu thi. Thợ quan hệ, hãy để họ tìm kiếm khách hàng. Chúng ta đừng manh mún nữa, hãy chuyên nghiệp.

    Zalo